Trước thực trạng công tác quy hoạch của Việt Nam tồn tại quá nhiều bất cập, hạn chế như hiện nay, việc xây dựng và ban hành luật quy hoạch đã nhận được sự kỳ vọng và quan tâm lớn của xã hội trong suốt thời gian vừa qua.

Nhiều hội thảo đã được tổ chức để đóng góp ý kiến cho dự thảo luật quy hoạch
Câu chuyện của chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - Hoàng Văn Trà chia sẻ tại cuộc họp thẩm tra dự án luật quy hoạch do Ủy ban kinh tế của Quốc hội chủ trì hồi tháng 10/2016 về việc ông “vừa ký vừa run” khi có tới trên 200 bản quy hoạch trên địa bàn tỉnh Phú Yên hẳn không phải là câu chuyện gì mới bởi theo thống kê của cơ quan soạn thảo thì có tới 19.285 bản quy hoạch các loại được lập cho giai đoạn 2011-2020 ở tất cả các cấp lãnh thổ, nhưng điều đáng nói là các quy hoạch này có nhiều chồng chéo, mâu thuẫn và xung đột với nhau.
“Luật quy hoạch ra đời có hạn chế được tình trạng có nhiều bản quy hoạch trên một mặt bằng lãnh thổ như hiện nay không” là câu hỏi được dư luận quan tâm và cũng nhiều lần được đưa ra thảo luận trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện luật. Và quả thật, các quy định trong dự thảo luật quy hoạch đã được xây dựng theo hướng trên một mặt bằng lãnh thổ chỉ còn lại duy nhất một bản quy hoạch trên cơ sở tích hợp các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác. Với tư tưởng này của luật thì doanh nghiệp và người dân sẽ dễ dàng nắm bắt được các thông tin quy hoạch và cũng sẽ chẳng còn câu chuyện bi hài mà vị chủ tịch tỉnh nói trên chia sẻ.
Theo chia sẻ của cơ quan soạn thảo, tư tưởng cải cách quan trọng nhất của dự án luật quy hoạch được thể hiện ở 3 khía cạnh chính:
Thứ nhất, giá trị quan trọng nhất của dự thảo luật là đặt tính thống nhất trong quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia lên hàng đầu. Luật quy hoạch đã động đến vấn đề then chốt là xác lập hệ thống quy hoạch quốc gia, từ đó, chống được tình trạng lạm phát quy hoạch, tránh sự chồng chéo, lãng phí trong các hoạt động quy hoạch. Dự thảo luật bổ sung việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia với vai trò kết nối giữa chiến lược và kế hoạch, có nhiệm vụ tổ chức không gian phát triển ổn định lâu dài và phân bổ, sử dụng hiệu quả tối ưu nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế, năng lực cạnh tranh của cả nước, các vùng lãnh thổ và từng địa phương, từ đó làm cơ sở để xây dựng giải pháp thực hiện bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm vốn đang là khoảng trống trong các quy định hiện hành.
Thứ hai, dự thảo luật quy hoạch thay đổi phương thức lập quy hoạch theo kiểu truyền thống hiện nay sang cách thức hiện đại, dựa theo phương pháp quy hoạch chiến lược và nội dung quy hoạch tích hợp, đa ngành để hài hòa các quy hoạch trong một chỉnh thể, tránh được mâu thuẫn và chồng chéo, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương cũng như việc xử lý mọi vấn đề về xung đột (xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương, xung đột giữa trung ương và địa phương, giữa ngành và địa phương, xung đột giữa doanh nghiệp và người dân) thông qua bản quy hoạch tổng thể. Các bản quy hoạch này chính là “tác phẩm” của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau trên cơ sở với sự tham gia đầy “trách nhiệm” của các bên để cùng nhau tìm tiếng nói chung trên quan điểm vì lợi ích chung của quốc gia.
Và với cách làm này sẽ không còn những câu chuyện “tréo ngoe” trong quy hoạch như câu chuyện liên quan đến dự án xây khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Giấy chứng nhận đầu tư du lịch nghỉ dưỡng South Fork đã được cấp từ năm 2004 và theo kế hoạch, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ giao đất cho nhà đầu tư McKenzie để triển khai dự án. Tuy nhiên, một phần của khu vực đất dự án này lại nằm trong phần quy hoạch khai thác khoáng sản mà tỉnh Bình Thuận đã giao cho chủ đầu tư khác. Vướng quy hoạch, không triển khai được dự án, nhà đầu tư McKenzie đã đòi bồi thường.
Thứ ba, luật quy hoạch ra đời sẽ chấm dứt các loại quy hoạch sản phẩm, cũng như các kiểu quy hoạch chẳng giống ai như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, quy hoạch cơ sở kinh doanh thuốc lá, quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng, quy hoạch làng nghề sản xuất rượu, quy hoạch mạng lưới buôn bán thuốc lá, quy hoạch cá rô phi, quy hoạch dưa hấu... và chỉ lập quy hoạch đối với các ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc phát động thanh niên khởi nghiệp, khi trả lời câu hỏi của một bạn trẻ là đất trồng lúa muốn chuyển đổi sang làm ao nuôi cá thì làm thế nào, đã khẳng định rằng, về nguyên tắc, chỉ cần giữ một diện tích lúa nhất định để đảm bảo an ninh lương lực quốc gia. Còn cứ theo đúng quy luật thị trường, nếu mảnh đất ấy trồng lúa chỉ mang lại 20-30 triệu đồng/ha, trong khi trồng rau quả, nuôi cá có thể cho nguồn thu gấp nhiều lần như thế thì chẳng lý gì mà không chuyển đổi cả! Nói về tư tưởng này của luật, thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông đã nhiều lần nhấn mạnh “câu chuyện của thị trường thì hãy cứ để thị trường lên tiếng”, kiên quyết không tạo cơ chế xin cho bằng cách đưa vào đưa ra các dự án khỏi quy hoạch một cách tùy tiện.
Thứ tư, luật quy hoạch thiết lập cơ chế minh bạch trong công tác quy hoạch, nâng cao vai trò của cộng đồng, người dân và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hiện nay, cơ chế giám sát của cộng đồng đối với thực thi quy hoạch gần như chưa được thể chế hóa, người dân có phát hiện việc thực hiện trái quy hoạch thì cũng không biết nói với ai. Do đó, giải pháp được đưa ra là bổ sung sự tham gia, tham vấn của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân nhằm tăng vai trò giám sát của họ đối với quá trình thực thi quy hoạch. Theo đó, Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và cộng đồng xã hội sẽ giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện quy hoạch; đồng thời, luật quy hoạch quy định rõ việc yêu cầu công bố công khai, cung cấp thông tin về tất cả các loại quy hoạch sau khi được phê duyệt và quy định cụ thể người chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin.
Với những đổi mới quan trọng như vậy, nội dung của luật quy hoạch cũng đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học và của hầu hết các đại biểu Quốc hội, khi thống nhất cho rằng cần thiết phải thông qua dự thảo luật quy hoạch. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết không thông qua luật quy hoạch tại kỳ họp này, khác với kỳ vọng của rất nhiều người. Lý giải về việc luật quy hoạch lùi thông qua sang kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông cho biết việc xây dựng luật quy hoạch phải đảm bảo 2 tiêu chí là hiệu quả và tính khả thi. Về hiệu quả thì đã đạt được sự đồng thuận cao qua các phiên thảo luận, nhưng về tính khả thi thì vẫn còn ý kiến băn khoăn liên quan đến việc chỉnh sửa các luật và pháp lệnh trong hệ thống luật khi luật quy hoạch được ban hành. Việc thông qua luật quy hoạch được hoãn lại đến kỳ họp Quốc hội lần sau là do còn ý kiến khác biệt tập trung vào tính khả thi của luật. Các đại biểu muốn luật có tính khả thi cao hơn, liên quan trực tiếp tới tính thống nhất, đồng bộ, chỉnh thể với các luật khác.
Cũng theo thứ trưởng Đông “việc tạm lùi thông qua luật này không đáng quan ngại, không gây nên hậu quả quá lớn, mà chỉ giúp cho chất lượng của luật cao hơn và tăng tỷ lệ ủng hộ và đồng thuận hơn” và tin tưởng tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV vào tháng 10, dự thảo luật sẽ được thông qua.
Chúng ta sẽ cùng tin tưởng rằng luật quy hoạch sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV, đáp lại kỳ vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp như chia sẻ của GS,TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường: “Chúng ta đã có rất nhiều quy hoạch mà không hiệu quả. Cái cần lúc này là một quy hoạch hợp lý, quy hoạch mà tốn ít nguồn lực nhất nhưng lại gặt hái được lợi ích nhiều nhất, lợi ích đó mang lại hiệu quả chung cho tất cả mọi người, rất công bằng, bình đẳng chứ không có lợi ích nhóm ở đây”.
(Nguồn: Bộ kế hoạch và đầu tư)